Khu vui chơi trẻ em - thị trường 3 tỷ đôla

- Sự kiện
Khu vui chơi trẻ em - thị trường 3 tỷ đôla

Chủ nhật hằng tuần, bé Lam (6 tuổi) ở TP HCM lại hí hửng cùng cô em gái 4 tuổi chuẩn bị được mẹ chở đi chơi. Địa điểm của 2 chị em là một khu trò chơi ở trung tâm quận 1, nơi tập kết nhiều trò chơi lạ mắt và có nhiều bạn bè đồng trang lứa.

Giá vé vào cửa không hề rẻ, 80.000 đồng cho mỗi người, nhưng chị Phương cho biết vẫn chọn những nơi này, thay vì lâu nay chỉ cho các con chơi ở những khu vui chơi nhỏ giá 40.000-50.000 đồng.

Cách đây vài năm, tại Việt Nam, dịch vụ giải trí cho trẻ em, đặc biệt là những khu trò chơi ít được đầu tư mạnh về vốn lẫn quy mô. Trên thị trường chủ yếu là những trung tâm nhỏ lẻ với số vốn đầu tư chỉ vài trăm triệu đồng, còn những trung tâm lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng kể từ năm 2013, đặc biệt là 2014, khá nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra hàng chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng để đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Thomas Ngô, CEO Công ty Nkid - chủ đầu tư chuỗi trung tâm trò chơi trẻ em tiNi World cho biết sau 5 năm hoạt động, đến nay tiNi  đã có 20 trung tâm trên cả nước với tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD, tức là hơn 200 tỷ đồng. Đầu năm 2014, tiNi vừa triển khai mô hình tiNiTown đầu tiên với hơn 20 hoạt động trên diện tích 2.500 m2 tại TP HCM.

“Theo thống kê, thị trường giải trí của trẻ em tại Việt Nam hiện đang có giá trị khoảng 3 tỷ USD, chiếm 60% trong tổng doanh thu của toàn ngành kinh doanh liên quan đến trẻ em như giáo dục, y tế, giải trí. Với quy mô thị trường cùng dân số đang ngày một tăng, ngành giải trí của trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường trung tâm trò chơi thật sự đầy tiềm năng”, CEO của Nkid cho biết.

Nhưng Nkid cũng đang phải đối mặt với khá nhiều đối thủ đáng gờm khác. Tháng 12/2013, khu vui chơi KizWorld với mô hình giải trí trong nhà dành cho trẻ em từ 3-16 tuổi đi vào hoạt động. Khu này có diện tích 5.500m2, nằm trong khuôn viên Trung tâm thương mại Parkson Flemington, quận 11, TP HCM do Công ty cổ phần giải trí  KizWorld làm chủ đầu tư. Đây là mô hình dành cho người chơi trải nghiệm bằng việc nhập vai vào nhiều ngành nghề như bác sĩ, cứu hỏa, phi hành gia, chuyên gia thiết kế ô tô, thợ làm bánh…

Nhưng quy mô đầu tư lớn nhất phải kể đến khu vui chơi giải trí Vietopia nằm ở khu Him Lam, quận 7. Khu này rộng tới 22.000 m2 với số vốn đầu tư lên tới 520 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Him Lam Phát triển trí tuệ trẻ em Việt (Himlam Vikid). Khu này đã mở cửa hoạt động từ 1/1/2014.

Ngay cả một ông lớn là Vingroup cũng không bỏ qua lĩnh vực béo bở này khi đưa vào hoạt động VinKC (Vin kids center) tại Trung tâm Thương mại Vincom B, quận 1, TP HCM. Trước đó, một trung tâm tương tự đã được mở tại Vincom Mega Mall Times City (Hà Nội). Mô hình của VinKC là kết hợp giữa mua sắm, vui chơi, phát triển kỹ năng… cho trẻ em 0-15 tuổi.

Ngoài điểm chung là suất đầu tư rất lớn, hầu hết các nhà đầu tư đều khôn khéo chọn cho mình phong cách riêng. Chẳng hạn như tại Vietopia, toàn bộ khu vui chơi nằm riêng biệt trên một khu đất ở khu vực nội thành, có 72 mô hình nghề nghiệp được bố trí trong nhà, trang bị máy lạnh và trẻ đến chơi được gắn định vị GPS, đảm bảo các tiêu chí chơi vui vẻ, an toàn, học nhiều kiến thức…

Còn Kizciti nằm trong khuôn viên công viên Khánh Hội, quận 4 có mức đầu tư 40 tỷ đồng, diện tích toàn khu trên 20.000 m2 với mô hình các tòa nhà, quảng trường, đường phố… bố trí ngoài trời. Ngược lại, KizWorld lại là mô hình giải trí trong nhà, nằm trọn trên lầu 4 của Parkson Flemington.

Với mô hình khu vui chơi tích hợp trong các tòa cao ốc như tiNiWorld hay KizWorld, cha mẹ có thể giao hẳn con rồi tự do đi mua sắm, tập thể dục, xem phim ở các tầng khác. Trong khi đó, ở một số khu như Vietopia, nhà đầu tư bố trí những khoảng không gian dành cho đọc sách, nghỉ ngơi, làm việc có kết nối Internet, hay nhu cầu ẩm thực.

Bà Nguyễn Quế Anh, Giám đốc Vietopia cho biết nơi này còn có cả khu vực cho bà mẹ có con nhỏ nghỉ ngơi, có nước sôi pha sữa, có khu vực thay tã…

Theo ông Thomas Ngô, nhà đầu tư vào lĩnh vực này cũng phải hết sức linh hoạt, bởi nhu cầu của khách hàng thay đổi rất nhanh, ngày càng yêu cầu cao hơn nên để kinh doanh và phát triển một trung tâm trò chơi trẻ em, các tiện ích và quy mô là yếu tố tiên quyết.

Những năm 2009, một khu trung tâm trò chơi tầm 100 m2 cùng với những trò chơi đơn giản như cầu tuột, nhà banh… là đã có thể đáp ứng thị trường. Nhưng giờ đây, các khách hàng là cha mẹ lại muốn con cái được chơi trong một không gian thoáng và sạch hơn, còn khách hàng nhí luôn mong có những trò chơi sáng tạo, mới mẻ. Chính vì thế, những trung tâm có quy mô lớn, lên đến 300 m2 hay cả nghìn mét vuông sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, vì ngày càng có nhiều trung tâm trò chơi với mọi mô hình và quy mô lớn nhỏ được mở ra, nên khách hàng có thêm nhiều lựa chọn về giá. Có nơi đưa ra hình thức đồng xu, khoảng 3.000-5.000 đồng một xu để khách hàng linh hoạt trong hầu bao, nhưng cũng có nơi giá vé vào cổng dao động 30.000-80.000 đồng một vé, tùy địa điểm, tùy ngày trong tuần và quy mô của từng khu. Người chơi được chơi tối đa 70% và sẽ chi trả thêm nếu có những nhu cầu chơi các trò khác. Trong khi đó, giá vé của ở khu khác từ 180.000 đến 280.000 đồng một vé trọn gói và chơi được tất cả các trò chơi (chưa kể vé người lớn đi kèm).

Do chi phí vận hành cao, thay vì thời gian thu hồi vốn đối với các khu trung tâm nhỏ chỉ khoảng 2-3 năm, nhưng đối với các trung tâm lớn phải 6-8 năm. Theo tiết lộ từ phía Vietopia, chi phí vận hành của trung tâm này trung bình từ 3,5-4 tỷ đồng mỗi tháng (chưa kể khấu hao).

Nhưng các nhà đầu tư cũng cho biết, ngoài doanh thu tiền vé và một số dịch vụ đi kèm, các khu vui chơi còn được tài trợ bằng nhiều hình thức từ phía các nhãn hàng, thông qua chia sẻ không gian và sự xuất hiện các thương hiệu.


Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Khu vui chơi trẻ em - thị trường 3 tỷ đôla

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.14042 sec| 1888.547 kb